Stent mạch vành là bước tiến lớn trong điều trị các bệnh liên quan đến hệ mạch máu nuôi tim. Đây là biện pháp điều trị đặc hiệu nhất cho bệnh lý thiếu máu cục bộ cơ tim do tắc hẹp mạch vành, đặc biệt là bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, người bệnh cần được tiếp tục theo dõi sát những diễn tiến sau can thiệp vì có một số biến chứng có thể xảy ra sau can thiệp đặt Stent động mạch vành.
1. Biến chứng sau đặt stent mạch vành
1.1. Hình thành huyết khối trong lòng stent
Stent bản chất là một khung kim loại, được đặt vào bên trong lòng mạch vành như một giá đỡ với nhiệm vụ làm rộng lòng những nhánh mạch vành bị hẹp cũng như cố định thành mạch không cho tắc nghẽn trở lại. Hiện nay, can thiệp mạch vành thường sử dụng 2 loại stent chính là stent thường và stent phủ thuốc.
Trong đó, stent phủ thuốc là một loại đặc biệt vì nó được tráng qua một lớp thuốc được phóng thích dần dần vào lòng mạch sau khi đặt stent nhằm hạn chế sự hình thành và phát triển của mô sẹo; qua đó, giúp lòng mạch luôn trơn nhẵn và mạch vành không bị hẹp lại.
Biến chứng đặt stent mạch vành đầu tiên và nặng nề cần phải nhắc đến chính là hình thành cục máu đông (huyết khối) trong lòng stent, gây tắc nghẽn lòng mạch trở lại. Bên cạnh đó, bệnh nhân vẫn có biểu hiện của thiếu máu cục bộ cơ tim hay thậm chí là nhồi máu cơ tim trở lại. Cục máu đông có thể hình thành bất cứ lúc nào, có thể ngay sau khi thực hiện can thiệp đặt stent. Do vậy, cần dùng thuốc chống đông trong khi can thiệp đầy đủ và duy trì thuốc chống kết tập tiểu cầu trước và sau khi đặt stent theo chỉ định của bác sĩ một cách nghiêm túc. Không được dừng hay bỏ thuốc để tránh hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành cấp.
Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, uống thuốc đều đặn và không được tự ý ngưng thuốc. Điều này sẽ giúp hạn chế được biến chứng cục máu đông. Nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới cho thấy, ngưng những loại thuốc này làm tăng tỷ lệ tử vong do huyết khối gây tắc stent.

1.2. Xuất huyết do dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu
Như đã nhắc ở trên, đa phần người bệnh cần sử dụng thuốc kháng đông sau đặt stent để phòng ngừa huyết khối. Do đó, một biến chứng sau đặt stent mạch vành liên quan đến sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu (như aspirin, clopidogrel) chính là làm tăng nguy cơ chảy máu. Trong đó, quan trọng và hay gặp nhất là xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày.
Những bệnh nhân có tiền căn rối loạn đông cầm máu hoặc xuất huyết dạ dày trước đó cần báo với bác sĩ điều trị vì đây là những chống chỉ định tuyệt đối của nhóm thuốc kháng đông máu.
Một số tình trạng xuất huyết khác người bệnh có thể gặp như xuất huyết dưới da hoặc những vị trí có can thiệp y tế như đặt kim luồn hoặc ống thông. Mức độ chảy máu có thể nhẹ, ngưng thuốc có thể điều chỉnh được. Nhưng một số trường hợp xuất huyết mức độ nặng có thể đe dọa tính mạng. Do vậy, các bác sĩ và nhân viên y tế cần theo dõi sát tình trạng xuất huyết sau đặt stent.
1.3. Tái hẹp sau đặt stent
Đặt stent không có nghĩa là mạch vành được bảo vệ hoàn toàn, không tái hẹp. Biến chứng đặt stent mạch vành có thể gặp là lòng mạch tắc nghẽn trở lại do hình thành mảng xơ vữa ở những vị trí khác hoặc chính tại vị trí đặt stent. Tỷ lệ biến chứng đặt stent mạch vành này khoảng 15% đối với stent cổ điển và giảm còn 10% đối với stent phủ thuốc.
Stent phủ thuốc giúp giảm đáng kể nguy cơ tái hẹp lại nhưng không thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ này. Do đó, bệnh nhân luôn được kết hợp điều trị thuốc kèm theo sau đặt stent để giảm thấp nhất nguy cơ tái hẹp.
1.4. Đột quỵ
Đột quỵ nhồi máu não có thể xảy ra trong hoặc sau quá trình đặt stent mạch vành. Trong khi thực hiện thủ thuật, việc luồn ống thông vô tình làm bong tróc mảng xơ vữa trong mạch máu và chính những mảng xơ vữa này đi theo dòng máu gây tắc nghẽn mạch máu não. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng về biến chứng này do tỷ lệ biến chứng đột quỵ rất thấp.
