Có đến khoảng 33,5% dân số Việt Nam có sử dụng bia rượu, trong đó số người lạm dụng chiếm gần 20%. Rượu bia tàn phá gan nghiêm trọng, hậu quả là có đến 10% nam giới 50-69 tuổi tử vong do ung thư gan vì bia rượu, cao gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu.
1. Vai trò của lá gan
Gan đóng vai trò như một nhà máy sinh học lọc qua mọi loại thức ăn, đồ uống đi vào cơ thể. Một số nhiệm vụ tối quan trọng của gan bao gồm:
- Lọc bỏ các chất có hại ở máu như dược phẩm, hóa chất, rượu.
- Sản sinh enzym và mật để tiêu hóa thực phẩm.
- Chuyển hóa thực phẩm thành những chất cần thiết cho sự sống và sự tăng sinh mô bào.
- Điều hòa lượng đường và chất béo trong máu…
Tuy nhiên khi cơ thể dung nạp độc chất quá nhiều từ thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại hoặc do việc uống rượu bia quá độ, khiến lá gan trở nên quá tải, lúc đó gan không những không làm được chức năng của mình mà còn bị tàn phá nghiêm trọng. Một khi gan bị tổn thương thì mọi hoạt động sẽ bị rối loạn.

2. Uống rượu bia ảnh hưởng đến gan như thế nào?
Như thế nào là uống nhiều rượu? Dưới đây là con số cụ thể ở nam và nữ giới:
- Nam giới uống >210 gram chất cồn/1 tuần trên 2 năm.
- Nữ giới uống >140 gram chất cồn/ 1 tuần trên 2 năm.
Theo quy ước 1 ly (30ml) rượu mạnh (40 độ), 1 ly (100ml) rượu vang (13,5 độ), 1 ly (330ml) bia hơi, 2/3 chai hoặc lon bia sẽ chứa 10g cồn.
Khi uống rượu bia, chất cồn được hấp thụ nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Chỉ 10% lượng cồn đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu; còn 90% còn lại đi thẳng qua gan, khiến gan nhiễm độc nặng nề, từ đó gây hại cho cơ thể.
Toàn bộ lượng máu ở đường tiêu hóa đều sẽ phải đi qua gan trước khi về tim nên gan sẽ là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất. Xơ gan là một trong những nguy cơ lớn nhất gây ung thư gan. Với những người thường uống nhiều rượu, nghiện rượu thì có nguy cơ rất cao là gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan. Những bệnh trên có thể xảy ra cùng một lúc hoặc xuất hiện dần theo thời gian.
Đặc biệt, chất cồn và các độc tố khác từ rượu bia sẽ kích hoạt tế bào Kupffer của gan, gây sản sinh quá mức các chất gây viêm như Interleukin, TGF-β, TNF-α,…tấn công tế bào gan, khiến chúng tổn thương và chết nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy, mức độ tàn phá gan của các chất gây viêm do tế bào Kupffer tiết ra nặng nề hơn nhiều so với độc chất từ rượu bia.
Nhiệm vụ chính của gan là giải độc cho cơ thể, nhưng khi tế bào gan bị hư tổn và chết nhiều sẽ khiến gan suy giảm khả năng giải độc. Các độc tố ứ đọng trong gan ngày một nhiều càng làm gan nhiễm độc nặng nề. Tình trạng nhiễm độc sẽ tăng dần và ảnh hưởng trên diện rộng, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm tại gan cũng như toàn cơ thể.